Phương pháp tư duy giải quyết vấn đề | Phương pháp tư duy tập trung

Tư duy tập trung là giải quyết vấn đề một cách hợp lý, tuần tự và có tính phân tích, hình thành do thói quen khi giải quyết vấn đề trong thời gian dài
Phương pháp tư duy giải quyết vấn đề | Phương pháp tư duy tập trung

Hinh anh phuong phap tu duy tap trung

I. Tư duy là gì ?

Tư duy là sự phản ánh của bộ não con người đối với thuộc tính bản chất và quy luật nội tại của sự vật khách quan. Tư duy là hoạt động tâm lý mà con người vạch ra thuộc tính bản chất và quy luật nội tại của sự vật. Hoạt động tâm lý này không giống với những hoạt động tâm lý khác, nó là một trong những quá trình tâm lý và hiện tượng tâm lý phức tạp nhất của con người. Chính vì sự phức tạp của tư duy, cho đến nay khoa học của nhân loại vẫn chưa hiểu hết được bản chất của tư duy cũng như quy luật nội tại của nó.

Loài người là chúa tể muôn loài, dấu chân con người in khắp các đại lục, hải dương, lòng đất, bầu trời thậm chí có thể can thiệp làm thay đổi quỹ đạo sao chổi, đến nơi nào dù không thể nói đã phát sinh những biến đổi to lớn.

So với một số loài động vật, cấu tạo chân tay của con người không có gì vượt trội: Bàn tay không nhạy bén bằng hổ, thính lực không bằng con dơi nhỏ bé.. mỗi cơ quan sinh lý của con người không có gì đặc biệt. Hầu như có thể làm mọi việc, nhưng lại làm không tốt, nếu chỉ dựa vào những cơ quan bình thường này thì loài người sẽ rất bi thảm, đừng nói đến việc chinh phục tự nhiên mà ngay cả bản thân cũng khó giữ.

Rất hiển nhiên là sức mạnh thần kỳ của con người không đến từ tay chân, mà bắt nguồn từ chức năng tư duy độc đáo của bộ não. Sức mạnh tư duy khiến cả thế giới kinh ngạc, có tư duy, con người nhìn thấy lửa trong rừng là nghĩ đến việc giữ lửa, dùi gỗ lấy lửa; có tư duy, con người nhìn thấy thú dữ là nghĩ đến việc đào hố đặt bẫy; có tư duy là biết quả táo rơi là do lực hấp dẫn..;có tư duy loài người có thể tạo ra vô vàn thứ không có trong tự nhiên.

Có lẽ sẽ có người hỏi, chẳng lẽ động vật không có năng lực tư duy sao ? Các loài động vật có vú cao cấp như hắc tinh tinh, cá heo chẳng phải được công nhận là thông minh đó sao? Đúng là chúng thông minh hơn những loài động vật khác, nhưng đó chỉ là năng lực tri giác, học tập và suy luận ở một mức độ nhất định, còn xa mới sánh được với con người, không thể gọi là có năng lực tư duy được. Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa phát hiện ra loài động vật nào có năng lực tư duy tương đương con người.

Loài người thật may mắn khi được thiên nhiên ban cho một sức mạnh thần kỳ như vậy. Chúng ta cần trân trọng, yêu quý tư duy, nỗ lực khai phá bộ não mình. Cũng chỉ có như vậy chúng ta mới sinh tồn và phát triển tốt hơn.

II. Phương pháp tư duy tập trung là gì ?

Tư duy tập trung là phương pháp tiếp cận trực tiếp để giải quyết vấn đề một cách hợp lý, tuần tự và có tính phân tích. Tư duy tập trung là tư duy thói quen được hình thành do người ta làm một công việc nào đó, giải quyết một vấn đề nào đó trong thời gian dài.

Chẳng hạn, khi chúng ta ngồi học ở nhà để tìm ra lời giải một bài toán hóc búa, ngồi im lặng, tập trung trí não trong một khoảng thời gian lâu và chỉ để giải quyết một vấn đề nào đó đang gặp phải.

Có thể nói, tư duy tập trung giúp cho chúng ta dồn sự chú ý vào những thứ vốn đã được kết nối chặt chẽ trong tâm trí, hình thành lên lối suy nghĩ, kỹ năng sẵn có. Tư duy tập trung mang tính thực hành cao, được lặp đi lặp lại xây dựng thói quen cho bạn, mọi kiến thức, sự ghi nhớ sẽ được củng cố trong não bộ của bạn.

Tư duy tập trung nghĩa là một vấn đề chỉ có một đáp án đúng. Để có được đáp án đúng đòi hỏi mỗi bước suy nghĩ đều phải hướng vào đó, suy nghĩ tập trung các phương diện khác nhau vào một mục tiêu. Điểm ngắm của nó là từ thông tin hiện có sinh ra kết quả tốt nhất trực tiếp và độc đáo. Quá trình tư duy này luôn do thông tin và đầu mối quyết định, là phương pháp và hình thức tư duy thường dùng trong việc sâu sắc hóa tư tưởng và lựa chọn phương án thiết kế. Tư duy tập trung lấy đối tượng nào đó làm trung tâm, hội tụ rất nhiều suy nghĩ và thông tin vào điểm trung tâm này, thông qua so sánh, sàng lọc, tổng hợp, luận chứng để đưa ra phương án tối ưu giải quyết vấn đề trong điều kiện hiện có.

Tuy nhiên, hạn chế của tư duy tập trung là tạo ra tư duy lối mòn. Bạn sẽ bị đóng khung trong một số lối tư duy có sẵn. Nó như một chất keo kết dính, bám chặt trong não bộ của bạn. Và nhiều khi việc lặp đi lặp lại một lối tư duy mà đó lại là lối tư duy sai lầm thì quả thực là điều rất nguy hiểm.

Hạn chế nữa là tư duy tập trung sẽ hình thành những định kiến trong bạn. Bạn thiếu đi sự cởi mở, đón nhận cái mới, thấu hiểu và có thói quen dán nhãn cho những gì mình đã biết trước đó, theo những suy nghĩ đã định sẵn khi phân tích, xử lý, giải quyết vấn đề.

Tư duy tập trung còn là cơ sở cho tư duy cố định: thỏa mãn với thực tại với thái độ tự mãn với những gì mình đang có. Điều này sẽ khiến bạn rơi vào trạng thái an phận thủ thường, không có ý chí phấn đấu, cập nhật và thay đổi bản thân.

III. 03 phương pháp tư duy tập trung điển hình:

1. Phương pháp nhận biết mục tiêu:

Phương pháp tư duy này đòi hỏi chúng ta phải biết quan sát, phát hiện sự thực và đưa ra quan điểm khi xem xét vấn đề. Từ đó, tìm ra hiện tượng mấu chốt, chú ý và đưa ra tư duy định hướng đối với nó. Trọng điểm của nó là xác định tìm kiếm mục tiêu, tiến hành quan sát và phán đoán. Thông qua việc không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao năng lực nhận biết tư duy.

Phương pháp nhận biết mục tiêu sử dụng trong tư duy thường là thiết kế hoặc xác định hiện tượng, bản chất, quan điểm mấu chốt của một loại hình tư duy nào đó rồi chú ý đến mục tiêu này.

Trong cuộc sống thực tế, chúng ta có thể nhận thấy, rất nhiều người tự học đánh máy đều chỉ đánh bằng hai đầu ngón tay. Đó là vì mục đích căn bản của họ. Không phải họ thành thục kỹ năng đánh máy, mà là do công việc cần thiết phải sử dụng đến đánh máy. Nếu chỉ dùng hai ngón tay thì họ nhanh chóng đạt được trình độ đánh máy cơ bản hơn so với đánh máy bằng cả mười đầu ngón tay. Như thế họ học được “kỹ năng hai ngón”. Do đó, xét theo nghĩa rộng, “kỹ năng hai ngón” là một kỹ năng đáp ứng yêu cầu trước mắt. Trái lại, đánh máy được bằng cả mười đầu ngón tay, dùng trong một thời gian tương đối dài được gọi là “kỹ năng toàn diện”. Điều đó phải xem mục tiêu bạn theo đuổi là cái gì ?

Cảnh sát mặc thường phục bắt những đối tượng trộm cắp, móc túi ở nơi công cộng cũng phán đoán và theo dõi qua cử chỉ điển hình và ánh mắt bí ẩn của chúng. Cảnh sát tìm hiểu những biểu hiện đặc thù này và luôn tìm kiếm mục tiêu theo một mô thức nhất định một cách có ý thức khi thực hiện nhiệm vụ.

2. Phương pháp bóc măng từng lớp

Khi xem xét vấn đề, thứ đầu tiên chúng ta nhận thức là lớp bề mặt của vấn đề, nên cũng là thứ rất nông cạn, sau đó phân tích từng lớp, từng bước tiếp cận hạt nhân của vấn đề, loại bỏ những đặc trưng phi bản chất, hỗn tạp để vạch ra bản chất tầng sâu ẩn trong hiện tượng bề ngoài của sự vật.

Một nhà logic học không cần tận mắt trông thấy hoặc nghe thấy Đại Tây Dương hay thác Niagara, ông ta có thể đoán được sự tồn tại của nó chỉ bằng một giọt nước. Do đó, toàn bộ cuộc sống là một chuỗi dây chuyền khổng lồ, chỉ cần nhìn thấy một khâu là có thể suy đoán được tình hình toàn chuỗi.

Cậu học sinh Ed có điểm số môn toán cứ giảm dần. Cũng như những bạn khác, cậu ta sẽ nói: “Mình phải cải thiện điểm số” rồi cứ hy vọng đạt được điều đó mà không hề làm gì để cải thiện chúng. Khả năng cao là điểm số của cậu học sinh Ed sẽ không thay đổi vì cậu ta chẳng hề để tâm tìm hiểu gốc rễ của vấn đề và tìm ra phương pháp nên làm gì để cải thiện điều đó.

Hay cậu học sinh Ed có thể nghĩ rằng: “Chắc mình phải từ bỏ việc chơi bóng để dành nhiều thời gian học hơn”. Ngay cả khi Ed có quyết tâm cao độ như thế nhưng điểm số của cậu ta vẫn sẽ không tiến bộ hơn nếu nguyên nhân gốc rễ của vấn đề không phải là thời gian cậu dành cho việc học mà là hiệu quả việc học của cậu. Tại sao lại phải bỏ phí cơ hội chơi bóng cùng các bạn, trong khi việc từ bỏ đó chẳng đem lại lợi ích gì cả ?

Để giải quyết vấn đề trên mà cậu học sinh Ed đang gặp phải thì trong tình huống này áp dụng phương pháp bóc măng từng lớp sẽ là hợp lý hơn cả. Hãy xem và cùng Ed giải quyết ra sao nhé ?

Trước tiên, Ed hãy bình tâm lại, rồi bắt đầu tự hỏi: “Mình đã làm sai những dạng toán nào nhỉ ?”. Sau đó, cậu phân loại các dạng toán thành các dạng như hình học, phân số, đại số. Bằng cách so sánh điểm số giữa các dạng toán khác nhau, cậu nhận ra rằng điểm số môn đại số thật ra đang tăng lên, trong khi điểm môn phân số đang đứng yên, và chỉ có điểm môn hình học là giảm xuống. Nếu chỉ nhìn vào xu hướng trung bình của điểm số môn toán sẽ không giúp cậu nhận thấy điều đang thực sự diễn ra.

Như vậy, nếu môn hình học là nguyên nhân duy nhất khiến cho điểm môn toán đi xuống, bước tiếp cận tiếp theo sẽ là chia nhóm điểm số môn hình học thành các chủ đề nhỏ hơn bao gồm diện tích, góc và thể tích để xác định cụ thể hơn loại vấn đề nào đang gây khó khăn.

Từ việc đặt ra câu hỏi: “Điểm số môn toán của mình đang giảm xuống”, cậu đã có được một nhận xét chi tiết hơn: “Điểm số môn toán của mình đang giảm xuống vì mình không học tốt ba nhóm chủ đề: diện tích hình thang, thể tích hình trụ và cách áp dụng định lý Pi-ta-go”. Khi đã thấu hiểu vấn đề rõ ràng hơn thì hiệu quả của kế hoạch cậu đặt ra và kết quả chung sẽ tạo ra được một khác biệt đáng kể.

Tiếp tục áp dụng phương pháp bóc măng từng lớp thì bước tiếp cận tiếp theo sẽ là định hướng chính xác những việc phải làm để có kết quả tốt hơn. Cậu học sinh Ed có nên dành nhiều thời gian hơn cho môn toán, hay cải thiện hiệu suất học tập của cậu, hay thực hiện cả hai việc đó ? Để tăng thời gian học toán, cậu có thể dậy sớm hơn ba mười phút hoặc dành ba mươi phút trước khi ngủ để tập làm những dạng bài tập đó. Cải thiện hiệu suất học tập nghĩa là thay đổi phương pháp học tập. Cậu có thể đổi sang một cuốn sách dạy toán hay hơn, nhờ thầy, cô bạn bè giúp đỡ trong những vấn đề khúc mắc sau giờ học, hay nói với cha, mẹ tìm cho mình một gia sư..

Ở mỗi người thì nguyên nhân điểm toán giảm xuống sẽ khác nhau. Do đó, việc áp dụng phương pháp bóc măng từng lớp để giải quyết vấn đề cũng sẽ khác nhau đối với từng người.

Như các bạn đã thấy, việc áp dụng phương pháp bóc măng từng lớp để giải quyết vấn đề là không hề phức tạp. Tất cả những gì bạn cần làm là phải hiểu rõ tình huống, áp dụng phương pháp bóc măng từng lớp để tìm ra nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, từ đó đưa ra một kế hoạch hiệu quả và thực thi kế hoạch đó. Ngay cả khi bạn phải đối mặt với một vấn đề lớn và phức tạp, nếu biết cách chia nhỏ, phân tích từng lớp, từng bước tiếp cận hạt nhân của vấn đề thì bạn sẽ giải quyết được thành công vấn đề đó.

3. Phương pháp chú ý gián tiếp

Phương pháp chú ý gián tiếp là phương pháp chuyển hướng gián tiếp để tìm kiếm kỹ thuật hoặc mục tiêu “mấu chốt”, đạt được một mục đích thật sự khác. Có nghĩa là đòi hỏi bạn phân loại đồ vật, quá trình phân loại dẫn đến một hậu quả khác. Khảo sát tỷ mỉ đối với đồ vật được phân loại, đánh giá giá trị có liên quan, như thế mới là ý đồ thật sự của việc sử dụng phương pháp chú ý gián tiếp.

Câu chuyện thứ nhất:

Một thương gia buôn bán nhỏ bảo với đứa con của mình chia táo thành hai loại và đựng vào hai cái sọt. Một sọt đựng quả to, một sọt đựng quả nhỏ. Đến chiều tối vị thương gia về nhà thấy con trai đã phân loại táo và đựng vào sọt. Hơn nữa, những quả táo hỏng do bị chim khoét, sâu ăn cũng được để ra một bên. Vị thương gia cảm ơn con trai, khen nó làm rất tốt. Sau đó, ông lấy ra một cái bao, trộn lẫn táo to và táo nhỏ ở cả hai sọt. Cậu bé hết sức bất ngờ. Nó nghĩ cha đang đùa nó, muốn thử nó xem có chịu làm việc hay không ? Đằng nào cha cũng trộn lẫn táo vào nhau, sao lại bảo nó phân loại táo ? Thật là uổng công. Vị thương gia bảo con, không phải ông đùa con, mà muốn con kiểm tra táo, bỏ đi những quả hỏng. Hai sọt táo chẳng qua chỉ là phương pháp gián tiếp chuyển hướng, mục đích của ông là muốn con kiểm tra kỹ từng quả táo. Nếu ông không chuyển hướng mà thẳng thắn bảo con vứt những quả táo hỏng thì đứa con sẽ không kiểm tra kỹ từng quả một, mà chỉ lật vội tìm những quả thoạt nhìn đã biết là hỏng chứ không kiểm tra những quả đã hỏng nhưng bề ngoài trông vẫn còn lành lặn.

Câu chuyện thứ hai:

Ngày xưa, có sứ giả mấy nước lân bang đến dạm hỏi công chúa. Nhà vua nói:”Ta sẽ ra một câu đố để thử các khanh, ai thông minh nhất sẽ được lấy công chúa”.

Ông sai người lấy ra một cái vỏ con ốc vặn rất dài, rỗng hai đầu, yêu cầu các sứ giả làm sao xâu một sợi chỉ mảnh xuyên qua đường ruột ốc. Ai sỏ được chỉ qua sẽ gả công chúa cho nước đó. Các sứ thần đều vò đầu suy nghĩ.

Sứ giả thứ nhất dùng miệng trực tiếp hút ở đầu lỗ bên kia mong cho sợi chỉ lọt qua, đỏ mặt tía tai cũng không được.

Sứ giả thứ hai bôi sáp vào sợi chỉ cho cứng để cho dễ xâu nhưng mãi không được.

Sứ giả thứ ba, ông buộc sợi chỉ ngang lưng một con kiến càng rồi bôi mật ong ở đầu lỗ bên kia. Để ăn được mật ong, con kiến vội bò đi trong lỗ vỏ ốc và nhanh chóng xỏ được sợi chỉ qua vỏ ốc vặn. Sứ giả đã thực hiện được mục đích xỏ chỉ một cách trực tiếp thông qua con kiến.

Mời các bạn Xem video hướng dẫn về phương pháp tư duy tập trung:


III. Kết luận

Trên đây, chúng ta đã tìm hiểu về phương pháp tư duy tập trung và cách vận dụng trong thực tế giải quyết vấn đề thông qua một số câu chuyện. Với phương pháp tư duy tập trung này, chúng tôi hy vọng bạn sẽ có trải nghiệm thú vị và bổ sung cách tư duy giải quyết vấn đề gặp phải sao cho phù hợp với mình nhất.

Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích, hãy chia sẻ nó lên trang mạng xã hội của bạn và xem nội dung khác trên trang website của chúng tôi. Và nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào khác liên quan, hãy đừng ngần ngại để bình luận ở bên dưới. Cảm ơn các bạn đã theo dõi và Chúc các bạn thành công./.

Post a Comment