Thế nào là phương pháp tư duy phân kỳ ?
Tư duy phân kỳ là phương thức tư duy đa chiều và cởi mở, nó đối lập với phương thức tư duy đơn nhất, cứng nhắc và khép kín. Tư duy phân kỳ giống như có rất nhiều “vòi”, không câu lệ vào một phương hướng, một cái khung nào, mà vươn ra mọi hướng, giúp tư duy của chúng ta đan xen chằng chéo, tạo thành “tấm lưới ý thức” phong phú đa sắc, sinh động, tấm lưới này có thể “dệt” nên rất nhiều “sản phẩm ý thức” một cách nhanh chóng, linh hoạt.
Tư duy phân kỳ là phương thức tư duy xem xét vấn đề theo những phương hướng khác nhau, góc độ khác nhau, tìm đáp án giải quyết vấn đề từ nhiều phương diện. Đặc điểm căn bản nhất của phương pháp tư duy này là xem xét vấn đề theo nhiều phương diện, nhiều ý tưởng chứ không giới hạn ở một ý tưởng, một góc độ, một con đường. Đối với tư duy phân kỳ, khi một phương pháp, một phương diện không giải quyết được một vấn đề thì nó sẽ chủ động phủ định phương pháp, phương diện đó và chuyển sang phương pháp, phương diện khác. Nó không thỏa mãn với thành quả tư duy đã có, mà muốn tìm kiếm những phương pháp mới, lĩnh vực mới. Đồng thời, muốn tìm ra phương pháp, phương diện tốt hơn một chút trong các phương pháp, phương diện.
Chúng ta đều biết nhà phát minh ra bóng đèn điện Edison sở dĩ được khen ngợi, danh thơm sử sách, không chỉ là vì ông đã phát minh ra bao nhiêu thứ, mà hơn thế là vì tinh thần làm việc không biết mệt mỏi đối với khoa học và phương thức tư duy phân kỳ tiến thủ. Để chế tạo thử đèn sợi đốt, ông đã thực hiện hơn 1.600 phương án khác nhau cho đến khi tìm ra mới thôi. Những thí dụ tương tự nhiều vô số trong lịch sử khoa học và lịch sử thực tiễn.
Tư duy phân kỳ thể hiện tính cởi mở, tính sáng tạo của tư duy, là sự phản ánh mối liên hệ phổ biến của sự vật trong đầu óc con người. Sự vật có mối liên hệ với nhau, là tổng hòa của nhiều phương diện quan hệ, nên chúng ta cần nhận thức sự vật từ nhiều phương diện, nhiều góc độ khác nhau, phân kỳ ra, từ đó tìm kiếm phương pháp giải quyết vấn đề tốt hơn.
Tư duy phân kỳ là ngọn nguồn của sáng tạo, nghiên cứu cho thấy chủ yếu có chướng ngại tâm lý ảnh hưởng đến sự phát triển thuận lợi của tư duy phân kỳ, đó là: theo đáp án có sẵn, tuân theo lề thói cũ, tâm lý theo số đông, sợ sai.
Theo đáp án có sẵn:
Khi suy xét từ một mốc tư duy, những đáp án có sẵn sẽ vô hình trung ập đến và cản trở tư duy mở rộng sang những hướng khác, không thể nghĩ ra, tìm ra được phương án, phương pháp hay hơn, tối ưu hơn để lựa chọn. Cách giải quyết chướng ngại này là một câu hỏi nhiều đáp án, một đề nhiều cách giải, một công việc có nhiều cách giải quyết.
Tuân theo lề thói cũ:
“Phải có nề nếp mới ra con người”. Nề nếp là quy phạm cần thiết để ra con người, nhưng rất nhiều lề thói trong cuộc sống lại bó buộc tư duy của con người mà không thể sinh ra tính sáng tạo. Đặc biệt những lề thói cổ hủ thường là sát thủ giết chết khoa học, bóp nghẹt sáng tạo. Cách đối phó là thoát khỏi lề thói cũ, đột phá khung định sẵn, dám “phản kháng”.
Tâm lý theo số đông:
“Người ta ai cũng như thế cả, thì mình cũng thế”. Tâm lý vô tình thay đổi hành vi mà mình tin tưởng để thích ứng với yêu cầu và hành vi của tập thể được gọi là “tâm lý theo số đông”. Chẳng hạn, người ta vỗ tay, mình cũng vỗ tay theo, đó là hành vi theo số đông. Trong giao thiệp, mình bị người khác hoặc người khác bị mình đồng hóa, tâm lý gọi đó là “đồng tình”. Hiện tượng tâm lý theo số đông, đồng tình này là khắc tinh của tư duy phân kỳ. Muốn khắc phục được nó, phải lập tiêu chí độc đáo, sáng tạo.
Sợ sai:
Những người sợ sai thường không dám suy nghĩ nhiều, vì biện pháp và phương án mà tư duy phân kỳ nghĩ ra phần lớn là không có tiền lệ, quá mới mẻ, độc đáo, có thể đúng, có thể không đúng. Những người sợ sai luôn rất cẩn thận, tư duy cũng không thể cởi mở. Điều đó đòi hỏi phải đổi mới quan điểm, dám suy nghĩ. Tư duy phân kỳ không phải là thứ dành riêng cho các nhà khoa học, các chuyên gia, mà mọi người bình thường đều có, có điều mức độ khác nhau mà thôi. Chỉ cần có ý thức rèn luyện trong cuộc sống thường ngày, thì năng lực tư duy phân kỳ sẽ được nâng cao rất nhiều.
03 hình thức biểu hiện của tư duy phân kỳ
Tư duy đa chiều là hình thức quan trọng nhất của tư duy phân kỳ
Tư duy đa chiều đòi hỏi phải xem xét cùng một vấn đề từ nhiều phương diện nhất có thể, tức phải phát huy sức sống và sự sáng tạo của tư duy, làm cho tư duy không chỉ giới hạn ở một mô thức, một phương diện.
Thí dụ: Bài toán đặt ra chỉ với 6 que diêm, yêu cầu xếp thành 04 hình tam giác đều. Rất nhiều người xuất phát từ tư duy thông thường, tìm câu trả lời trong phạm vi không gian hai chiều tức mặt phẳng, kết quả họ đều thất bại. Nhưng chỉ cần chúng ta hướng tư duy đến một phương diện khác, có nghĩa là chỉ cần quan sát theo không gian ba chiều tức góc độ lập thể, xếp sáu que diêm thành hình tứ diện đều, mỗi mặt đều là một hình tam giác đều thì đáp án của vấn đề đã hiển hiện trên giấy. Về bản chất, tư duy của con người là đa chiều. Chúng ta luôn phải làm cho tư duy ở vào trạng thái đa chiều, phân kỳ, cởi mở để phát hiện vấn đề. Sự phát hiện ra mỗi phương diện mới đều làm cho tư duy được nâng lên một tầm cao mới.
Hình thức tư duy khía cạnh
Trước hết chúng ta hiểu tư duy hướng chính là gì ? Tư duy hướng chính là phương thức tư duy mà phạm vi xem xét vấn đề, tìm đáp án giải quyết vấn đề chỉ giới hạn trong một lĩnh vực. Chẳng hạn: Chúng ta thường nói ai đó rất thành thạo nghề của mình, ngoài ra rất lạ lẫm đối với sự tình ngoài nghề của mình, đó là tư duy hướng chính.
Tư duy khía cạnh thì khác, nó đòi hỏi phải giao thoa lĩnh vực mình nghiên cứu với các lĩnh vực khác, kết hợp chuyên ngành của mình với các chuyên ngành khác và nhận được gợi mở về mặt tư duy từ lĩnh vực và chuyên ngành khác.
Trong khi tắm, Ác-xi-mét đã giải được câu đố về chiếc mũ miện vàng. Được quả táo rơi xuống đất gợi ý, Newton đã tìm ra định luật vạn vật hấp dẫn, Lỗ Ban ông tổ nghề mộc Trung Quốc, được gợi ý từ việc bị cỏ cứa vào tay, đã phát minh ra cưa; từ gợi ý của việc xịt nước hoa, một kỹ sư người Mỹ đã chế tạo ra bộ chế hòa khí của động cơ; một nhà hóa học mơ thấy nhiều con rắn nối đuôi nhau tạo thành vòng tròn và tìm ra cấu tạo phân tử của nguyên tố hóa học Benzen; Nhà triết học lớn Wittgenstein tìm thấy một tấm bản đồ tác chiến trong chiến hào, được gợi ý, ông đã đề xuất “Thuyết hình ảnh”.. đó đều là biểu hiện và vận dụng của tư duy khía cạnh. Tư duy khía cạnh cho thấy vạn vật trên thế giới vốn liên hệ với nhau, loại suy lẫn nhau.
Hình thức tư duy ngược chiều
Đúng như thực chất của nó, tư duy ngược chiều là sự phản ánh sự đối lập thống nhất của phép biện chứng trong lĩnh vực tư duy. Hai mặt đối lập của mâu thuẫn vừa loại trừ nhau, vừa dựa vào nhau, chuyển hóa cho nhau, giữa chúng có tính thống nhất, tính đồng nhất.
Thí dụ: Đường dốc lên và đường dốc xuống nằm trên cùng một con đường, lên đến đỉnh thì phải đối mặt với dốc xuống. Trên đường bằng phẳng, không có dốc lên, cũng không có dốc xuống. Đường dốc lên và đường dốc xuống vốn đối lập nhau, nhưng lại dựa vào nhau và chuyển hóa nhau. Nếu đối lập hai mặt mâu thuẫn, cho rằng giữa chúng không có mối liên hệ, thì sẽ rơi vào phương thức tư duy siêu hình, rất khó thành lập trong cuộc sống hiện thực. Về điều này, phương thức tư duy siêu hình không giải quyết được. Do đó, tư duy ngược chiều có căn cứ thực tế và lý luận, xem xét vấn đề từ tư duy ngược chiều thường đạt được thành quả rất quan trọng. Việc phát minh ra động cơ điện là một thí dụ.
Nhận được gợi mở từ việc điện sinh ra từ, nhà khoa học người Anh là Faraday đã tự hỏi, từ có sinh ra điện được không ? Tư duy ngược chiều này đã đề ra một vấn đề mới, cần con người giải đáp. Sau nhiều nỗ lực, ông đã chế tạo ra được chiếc động cơ điện đầu tiên trên thế giới. Thử nghĩ nếu không mạnh dạn tư duy ngược chiều thì động cơ điện khi nào mới được phát mình? Trong đời sống hàng ngày chúng ta thường nói:”Suy bụng ta ra bụng người”, “Suy nghĩ từ góc độ của người khác” v.v.., đó chẳng qua là yêu cầu bản thân hoặc người khác thực hiện tư duy ngược chiều từ mặt đối lập của nhau. Xem xét vấn đề từ lập trường phương diện đối lập của nhau, các suy nghĩ sẽ toàn diện hơn, khách quan hơn, hai bên đều có thể được thấu hiểu, mọi vấn đề sẽ được giải quyết thuận lợi.
Bốn Phương pháp tư duy phân kỳ
Phương pháp Tư duy dọc ngang
Tư duy vấn đề hoặc đối tượng được xem xét theo phương hướng phát triển dọc và ngang được gọi là tư duy dọc ngang. Có nghĩa là khi gặp việc thì suy nghĩ ngang dọc xem có những nhân tố nào, những khả năng nào, những biện pháp khả thi nào, đưa ra những điểm mới để suy nghĩ thông suốt, giảm bớt sai sót. Thí dụ: Chúng ta quan sát sự tiến bộ của một bạn cùng lớp, một mặt phải xem biểu hiện và sự phát triển của người bạn đó trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Mặt khác cũng phải xem xét nhiều phương diện khác như đạo đức, trí tuệ, thể chất, quan niệm thẩm mỹ, tinh thần và khả năng lao động.. Nắm bắt sự vật theo hai chiều dọc và ngang sẽ toàn diện và sâu sắc, phương pháp này cần được ứng dụng nhiều trong học tập. Tư duy dọc ngang cũng có thể chia thành tư duy chiều dọc và tư duy chiều ngang.
Phương pháp Tư duy ngược
Suy nghĩ theo chiều hướng ngược lại, thay đổi thói quen chỉ suy nghĩ chính diện của con người, phương pháp xem xét vấn đề từ góc độ hoàn toàn đối lập này được gọi là tư duy ngược. Xem xét vấn đề từ mặt trái dễ dẫn đến những suy nghĩ mới và thường sinh ra những ý tưởng độc đáo và quan niệm mới mẻ. Năng suy nghĩ theo hai mặt trái phải có thể sẽ thu được hiệu quả bất ngờ. Tên lửa được bắn lên trời, có người làm cho nó đổi hướng, tạo ra tên lửa khoan giếng. Hình học Euclid được mọi học sinh trung học đều biết, nó có lịch sử hơn hai nghìn năm, từ năm 18 tuổi, Janos nhà toán học Hungary, qua suy nghĩ theo hướng ngược lại và nghiệm chứng, đã sáng lập ra một môn học mới – “Hình học phi Euclid”. Trong bốn phép tính cộng, trừ, nhân, chia ở tiểu học, để xem tổng của phép cộng có đúng hay không, chúng ta dùng phép trừ để thử lại, hoặc dùng phép chia để thử lại tích của phép nhân, đó đều là xem xét vấn đề theo chiều hướng ngược lại.
Khi học lý thuyết khoa học, chúng ta tiến hành thực nghiệm và thực tiễn đối với lý thuyết của người đi trước để chứng minh tính xác thực trong lý thuyết của họ được gọi là phương pháp chứng thực. Đôi khi cũng xem xét theo một phương hướng khác, đó là thông qua thực nghiệm hoặc thực tiễn để chứng minh tính không xác thực hoặc tính không khoa học trong lý thuyết của người đi trước, được gọi là phản luận. Chứng thực khẳng định hoặc phản luận với thái độ hoài nghi đối với quan điểm lý thuyết đã có là bước rất quan trọng. Mỗi học sinh đều phải biết hai phương pháp suy nghĩ chứng minh và phản luận, xem xét vấn đề theo chiều hướng ngược lại.
Phương pháp tư duy ngược có vẻ hoang đường nhưng thực chất là một phương pháp dễ sinh ra những suy nghĩ mới, thường giành thắng lợi bất ngờ, giúp chúng ta có những tư tưởng mới, những cống hiến mang tính đột phá.
Phương pháp Tư duy phân hợp
Tư duy phân hợp là phân giải thành các phần rồi tái tổ hợp các bộ phận có liên quan đến đối tượng suy nghĩ về tư tưởng nhằm tìm ra phương pháp mới để giải quyết vấn đề.
Chúng ta đều biết câu chuyện Tào Xung cân voi, trong đó Tào Xung đã sử dụng phương pháp tư duy phân hợp. Khi đó cái cân lớn nhất chỉ cân được trọng lượng 100 kg, mà một con voi nặng đến mấy tấn, vậy cân bằng cách nào ? Hầu như là không thể. Tào Xung đã dùng thuyền gỗ làm trung gian, chia con voi thành những hòn đá có trọng lượng bằng nhau, lần lượt cân trọng lượng từng hòn đá rồi cộng lại là ra trọng lượng con voi. Đó là một thí dụ điển hình về phương pháp tư duy phân hợp.
Mũ và áo choàng kết hợp lại với nhau tạo thành một kiểu dáng mới, áo choàng và quần nối với nhau tạo thành quần yếm, áo choàng nối với váy tạo thành váy liền áo. Máy thu thanh và máy ghi âm kết hợp với nhau tạo thành máy thu ghi. Cục gôm kết hợp với bút chì tạo thành một kiểu bút chì mới, nghe nói người phát minh ra loại bút chì này là một họa sỹ nghèo, ông nghèo đến mức không đành vứt bỏ một cục gôm nên gắn nó lên đầu bút chì nên tạo thành một phát minh, đăng ký độc quyền và nhanh chóng trở thành một người giàu có. Đó chính là chỗ kỳ diệu của phương pháp tư duy phân hợp.
Tư duy phân hợp có thể chia thành tư duy phân giải và tư duy tổ hợp. Tư duy phân giải có thể “biến hủ bại thành thần kỳ”, phân ly những nhân tố vô dụng, chiết xuất những nhân tố hữu dụng để sử dụng; tư duy tổ hợp có thể sáng tạo từ tổ hợp. Chúng đều là những phương pháp sáng tạo hữu ích.
Phương pháp Tư duy phân hợp
Tư duy hoài nghi là dám đưa ra vấn đề, dám thách thức quyền uy, không chịu sự ràng buộc của lý thuyết truyền thống, không mê tín sách vở và quyền uy chuyên gia, cũng không mù quáng đi theo số đông. Dám đưa ra vấn đề hoặc dám thách thức cũng không phải là nói bừa vô căn cứ, mà là phát hiện vấn đề, đưa ra nghi vấn trên cơ sở nghiêm túc học tập tri thức kinh nghiệm của tiền nhân và suy nghĩ thấu đáo. Sau khi tốt nghiệp cấp hai, Hoa La Canh đã nghiêm túc tự học toán học một cách hệ thống, thông qua nghiệm chứng, ông phát hiện công thức của một giáo sư toán học đương thời có sai lầm nên mạnh dạn đưa ra hoài nghi. Trong học tập, thông qua suy nghĩ cẩn thận, dám phát hiện vấn đề, dám đề xuất vấn đề, đó là khâu quan trọng của thành công trong học tập. Tục ngữ có câu:”Học vấn là học hỏi, muốn học thì phải hỏi”. Học là kế thừa và khẳng định hệ thống tri thức đã có, hỏi là hoài nghi và phủ định hệ thống tri thức đã có.
Mục đích của hoài nghi là đưa ra quan điểm mới, cách nhìn mới, xây dựng lý thuyết mới, đó là lập luận. Hoài nghi và lập luận là hai giai đoạn của tư duy sáng tạo. Hoài nghi khiến ta bán tín bán nghi, lập luận giúp ta sáng mặt sáng lòng; hoài nghi khiến ta luôn phải trăn trở, lập luận giúp ta sáng tỏ; tóm lại hoài nghi chỉ là tuyên bố lý thuyết cũ có vấn đề, lập luận mới có thể tuyên bố sự kết thúc của lý thuyết cũ, sự thành lập của lý thuyết mới.
Lời kết:
Trên đây, chúng ta đã tìm hiểu về phương pháp tư duy phân kỳ. Với phương pháp tư duy phân kỳ này, chúng tôi hy vọng bạn sẽ có trải nghiệm thú vị và bổ sung cách tư duy giải quyết vấn đề gặp phải sao cho phù hợp với mình nhất.
Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích, hãy chia sẻ nó lên trang mạng xã hội của bạn và xem nội dung khác trên trang website của chúng tôi. Và nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào khác liên quan, hãy đừng ngần ngại để bình luận ở bên dưới. Cảm ơn các bạn đã theo dõi và Chúc các bạn thành công./.